Có một công thức quản lý tồn kho hiệu quả là cách tốt nhất để bảo đảm bạn luôn đủ hàng hóa đáp ứng vừa đủ cho nhu cầu, không thừa cũng không thiếu. Nếu bạn tồn kho quá dư thừa hoặc tồn kho sai sản phẩm sẽ làm chậm dòng tiền hoặc mất lợi nhuận khi bạn bắt buộc phải xả kho hoặc tiêu hủy những sản phẩm không cần thiết để lấy chỗ trống cho các sản phẩm khác. Trong khi đó nếu sản phẩm tồn kho không đủ, bạn có thể bị mất cơ hội bán hàng, ảnh hưởng đến lợi nhuận, và trực tiếp ảnh hưởng đến trải nghiệm khách hàng nhất là đối với ngành bán lẻ.
Công thức lên kế hoạch mua hàng (sau đây gọi tắt là công thức mua hàng) có thể giúp các nhà bán hàng quyết định tồn kho hay sản xuất bao nhiêu sản phẩm để giữ cho dòng tiền dương.
Định nghĩa: Kế hoạch mua hàng là một khoản tiền dùng để mua hàng nhập vào kho, hàng này dự đoán sẽ được sử dụng (bán hoặc nguyên liệu sản xuất) ở tương lai trong một khoảng thời gian định trước. Kế hoạch mua hàng giúp nhà bán hàng tồn trữ đúng số lượng, đúng sản phẩm, đúng thời điểm bằng cách cho biết số lượng tồn kho cần là bao nhiêu và số lượng đang có hiện tại là bao nhiêu. Bao gồm cả số lượng đang có sẵn trong kho, số lượng đang trên đường nhập kho, số lượng đang chờ xuất kho ở các đơn hàng.
Công thức mua hàng không những giúp bạn trong việc quản lý mua hàng hiệu quả mà còn giúp bạn tính toán để tối đa hóa lợi nhuận. Ví dụ, hiện tại bạn đang tốn $100,000 cho tồn kho, nếu bạn có kế hoạch mua hàng tốt, bạn chỉ cần $90,000 cho tồn kho mà vẫn đáp ứng được nhu cầu sản xuất và bán hàng, khi đó có thể nói bạn đã có được $10,000 để đầu tư vào việc khác.
Công thức mua hàng khá linh hoạt, có thể được áp dụng cho một nhóm hàng, một danh mục hàng hóa, một phòng ban trong công ty, hoặc cho toàn bộ công ty.
Nhà bán hàng có thể tiêu khoản tiền mua hàng theo từng đợt, thay vì dùng một lần để mua hàng. Một số nhà bán hàng không tiêu toàn bộ khoản tiền mua hàng theo kế hoạch mà luôn luôn chỉ tiêu một phần, và phần còn lại dùng vào việc đáp ứng linh hoạt cho các sản phẩm theo mùa. Ví dụ mùa covid, một số nhà bán hàng có sẵn khoản tiền linh hoạt sẽ kinh doanh khẩu trang.
Như vậy bạn có cái nhìn tổng quát về việc mua hàng và những ảnh hưởng chính của nó, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu công thức mua hàng được tính như thế nào
1. Hệ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover)
Hệ số vòng quay hàng tồn kho cho bạn biết tốc độ bán sản phẩm nhanh hay chậm. Nếu hệ số vòng quay hàng tồn kho lớn bạn cần phải lên kế hoạch mua hàng nhiều hơn. Công thức hệ số vòng quay hàng tồn kho được tính trên một khoảng thời gian.
Hệ số vòng quay hàng tồn kho = Tổng bán / Tồn kho trung bình
Ví dụ trong 6 tháng vừa qua, bạn bán ra tổng số là $50,000, tồn kho trung bình là $25,000. Vậy thì hệ số vòng quay hàng tồn kho là 2. Tồn kho trung bình có thể tính bằng giá trị tồn kho của tháng đầu tiên cộng với giá trị tồn kho của tháng thứ 6 rồi chia đôi. Hoặc chính xác hơn thì lấy giá trị tồn kho của đầu mỗi tháng cộng lại rồi chia cho 6. Còn nếu bạn muốn tính nhanh hơn nữa thì lấy tổng bán chia cho giá trị tồn kho hiện tại (tất nhiên cách này độ chính xác kém nhất).
Một lưu ý là các sản phẩm khác nhau có tốc độ tiêu thụ khác nhau nên hệ số vòng quay hàng tồn kho khác nhau. Chính vì vậy mức độ quan tâm đến một sản phẩm có hệ số vòng quay hàng tồn kho cao chưa chắc lớn hơn một sản phẩm có hệ số thấp hơn.
2. Công thức mua hàng
Lưu ý, công thức mua hàng là công thức cho ra kết quả dự báo chứ không phải cho ra con số chính xác. Sau đây là một số định nghĩa được sử dụng trong công thức mua hàng
Tồn kho đầu kỳ: tổng giá trị tồn kho tính bằng tiền tại thời điểm đầu kỳ
Dự tính bán: tống giá trị hàng hóa bạn dự định bán trong kỳ
Kế hoạch giảm giá: tổng giá trị bạn dự định giảm giá sản phẩm để nhanh chóng bán hết hàng hóa
Tồn kho cuối kỳ: tổng giá trị tồn kho ước tính tại thời điểm cuối kỳ
Cần mua: Tổng giá trị hàng hóa cần mua trong kỳ
Công thức sẽ như sau: Cần mua = Dự tính bán + Kế hoạch giảm giá + Tồn kho cuối kỳ - Tồn kho đầu kỳ.
Ví dụ tổng giá trị tồn kho đầu kỳ hiện tại bạn đang có là $30.000, bạn dự tính bán trong kỳ là $15.000, trong đó tổng giá trị dự định giảm giá là $350 và cuối kỳ bạn muốn tổng tồn kho chỉ còn $25.000. Vậy bạn cần phải mua là $15.000 + $350 + $25.000 - $30.000 = $10.350
Như vậy bạn cần phải mua một lượng hàng có giá trị tương đương $10.350. Nhưng đây là giá trị đang được tính trên giá bán.
Từ giá bán này bạn sẽ tính ra số tiền cần phải bỏ ra để mua hàng là bao nhiêu, chi phí vận hành là bao nhiêu và lợi nhuận có được là bao nhiêu.
Như vậy công thức mua hàng là một công cụ tương đối đơn giản để bạn có cái nhìn tổng quát cho kế hoạch kinh doanh của mình.
Bài dịch từ https://www.shopify.com/retail/open-to-buy-plans
Nhận xét
Đăng nhận xét